Một cô gái trẻ đặt mục tiêu có chứng chỉ IELTS 7.5 trong hai tháng tới để kịp nộp đơn đi du học. Cô mua hàng chục cuốn sách, download tài liệu trên mạng và đăng ký vài khóa học trực tuyến với chi phí đắt đỏ. Những ngày đầu tiên, khí thế ôn thi ngút trời, cô luyện đề với thế như chẻ tre. Qua ngày thứ 4, trong một lần vô tình lướt Facebook, bộ phim có cái tên thú vị “Squid Game” khiến cô tò mò. Cô nhấn nút “play”.
…
Cứ như thế, cô lạc lối trong xao nhãng, cám dỗ, trì hoãn của Facebook Watch, Netflix. Sau đó còn là việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử và vân vân những lý do khác mà cô đã tự biện minh cho bản thân. Ngoảnh đi ngoảnh lại rồi cũng đã đến ngày thi. Khi nhận kết quả, cô chỉ biết tự trách chính mình, vì không có kỷ luật bản thân đủ tốt để làm những việc cần làm.
Khi nhắc đến kỷ luật bản thân, mọi người thường nghĩ đến điều gì đó rất khó khăn, mang tính ép buộc và không hề thoải mái. Câu hỏi đặt ra là có cách nào để rèn luyện kỷ luật bản thân đơn giản, nhẹ nhàng, “không nước mắt”, nhưng vẫn hiệu quả?
Câu trả lời phù hợp với hoàn cảnh của bạn sẽ được tìm thấy trong bài viết này.
“We don’t have to be smarter than the rest; we have to be more disciplined than the rest.” -Warren Buffett
Kỷ luật bản thân là gì?
Kỷ luật bản thân là năng lực khiến bản thân thực hiện những điều mà bạn nên làm, cần làm và phải làm. Bạn cần liên tục nhìn nhận, thực hành kiểm soát cảm xúc, loại bỏ cám dỗ và mong muốn nhất thời để làm việc hướng đến mục tiêu to lớn và lâu dài. Trường hợp bên trên đó là năng lực loại bỏ xao nhãng như Netflix, Facebook Watch để tập trung học tập và đạt được điểm số mong muốn.
Kỷ luật bản thân có sức mạnh to lớn khiến bạn hành động để đạt được ước mơ. Tin vui dành cho bạn là đây không phải là một năng lực “siêu nhiên” hay một dạng tài năng thiên bẩm. Thay vào đó, nó là một kỹ năng mà ai cũng có thể học hỏi và phát triển. Một khi có kỷ luật bản thân vững vàng, bạn sẽ dễ dàng đạt được những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời, đồng thời có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
Bí mật đằng sau kỷ luật bản thân
Kỷ luật bản thân không nên là việc ép bản thân thức dậy mỗi sáng khi chuông đồng hồ reo, hay làm việc như một cái máy theo lịch trình kín mít được định sẵn. Nó cũng không có nghĩa là bạn sẽ luôn luôn tránh được cám dỗ của việc “ngủ nướng” hay xem một bộ phim Hàn dài tập.
Kỷ luật bản thân cũng không phải là cực lực công kích bản thân vì những điều không tốt bạn đã làm, và luôn yêu cầu bản thân phải hoàn hảo. Chúng ta cũng chỉ là những người bình thường, có những cảm xúc buồn vui, có những ngày tâm trạng đi xuống không thiết điều gì trên đời.
Kỷ luật bản thân, trước tiên, nên bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy để bạn có những góc nhìn khác nhau, tích cực, lạc quan và hiệu quả hơn. Hệ quả là bạn có thể thực thi những việc cần làm tự động, vui vẻ, và thoải mái.
Quan trọng là bạn cần hiểu được bản thân, nhìn ra nguyên nhân sâu xa của sự việc, để tạo ra thay đổi dù nhỏ bé nhưng bền vững. “Tích tiểu thành đại”. Dần dần, những thay đổi nhỏ bé này có thể tạo ra những bước tiến lớn và quan trọng trong cuộc đời bạn.
Thay đổi tư duy để kỷ luật bản thân nhẹ nhàng hơn
1. Self-Acceptance – Chấp nhận bản thân
Trong bài viết của mình, Mark Manson cho rằng, ý chí không giống như cơ bắp của bạn. Nếu để chúng làm việc quá sức, ý chí sẽ bị mài mòn và bạn sẽ dễ đầu hàng. Đó là lý do mà tuần đầu tiên bạn thực hiện mục tiêu luyện tập để giảm cân diễn ra khá suôn sẻ với khí thế ngút trời. Dường như không gì có thể ngăn cản bạn về đích.
Nhưng đến tuần thứ hai thứ ba, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Cơn thèm đồ ăn nhanh xuất hiện trở lại. Làm việc bận rộn, căng thẳng khiến bạn không thể tập luyện đều đặn và thường xuyên. Mọi thứ dường như trở lại vạch xuất phát.
Mark cho rằng nguyên nhân là do cảm xúc của chúng ta. Cảm xúc nhất thời chính là chất xúc tác mạnh mẽ dẫn đến những quyết định của bạn. Khi bạn ở trong cơn thèm ăn, đang buồn bực, hạnh phúc đến phát điên, bạn sẽ đưa ra các quyết định khác nhau mà không phụ thuộc vào lý trí.
Hiểu được điều này sẽ cho bạn một hướng giải quyết khác cho vấn đề của mình. Thay vì chỉ trích bản thân vì bị cám dỗ bởi đồ ăn nhanh, hay trì hoãn vì công việc, chấp nhận bản thân là điều đầu tiên bạn cần làm. Hiểu rằng bản thân có những cảm xúc như vậy là chuyện bình thường và bạn đang cố gắng để có thể sống kỷ luật hơn và tích cực hơn trong cuộc sống.
Sau đó, bạn có thể bình tĩnh hơn để xem xét nguyên nhân sâu xa của vấn đề và có cách giải quyết hợp tình hợp lý. Tự thưởng cho mình một buổi xem phim nếu có thể kiềm chế cám dỗ mỗi khi chúng xuất hiện. Sắp xếp công việc thông minh hơn và ăn uống ngủ nghỉ điều độ hơn để có năng lượng cho việc tập luyện.
2. Thử thách “lời bào chữa”
Kelly Dunning, một travel blogger chia sẻ rằng, cô ấy luôn lấy lý do quá bận rộn thực hiện các dự án của khách hàng mà không dành thời gian cho blog cá nhân. Một ngày, bạn trai cô chỉ cho cô biết rằng đó chỉ là cái cớ mà cô tự tạo ra cho mình mà thôi.
Suy nghĩ kỹ càng, cô ấy đã quyết định thử thách “lời bào chữa” trên bằng việc dành 30 phút vào buổi sáng mỗi ngày để làm việc cho chính mình, trước khi làm cho những dự án khác. Chỉ với 30 phút này, cô ấy đã thành công phát triển blog của mình.
Nếu bạn cũng có những lý do như tôi không thể viết blog vì tôi viết không tốt, không thể ăn uống lành mạnh vì không có thời gian chuẩn bị hay không thể tập thể dục vì không có tiền đến phòng tập, hãy dành thời gian để nhìn lại và tự thử thách bản thân.
Bằng cách thực hiện vài thay đổi nhỏ như đi chợ chuẩn bị trước cho một tuần, viết một dòng mỗi ngày, tập thể dục ngay tại nhà với hướng dẫn miễn phí từ Youtube, bạn vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ và tạo ra những bước tiến trên hành trình của mình.
3. Thỏa mãn nhất thời
“Willpower is what separates us from the animals. It’s the capacity to restrain our impulses, resist temptation – do what’s right and good for us in the long run, not what we want to do right now. It’s central, in fact, to civilization.” -Dr. Roy Baumeister, Ph.D.
Trong bài viết trên The Introvert Writer có tên “Điều Gì Khiến Bạn Không Làm Những Việc Cần Làm“, tôi có chia sẻ về thỏa mãn nhất thời hay còn gọi là “instant gratification”. Để hình thành kỷ luật bản thân, bạn cần thành thạo “nghệ thuật” trì hoãn những thỏa mãn nhất thời.
Bạn cần thoát khỏi sự cám dỗ của việc ăn một chiếc bánh ngọt hay đồ ăn nhanh vì nỗ lực cho một cuộc sống khỏe mạnh hơn. Bạn trì hoãn niềm vui sướng của việc xem phim và vùi đầu vào sách vở để có được kết quả tốt hơn trong học tập và công việc. Mỗi khi lựa chọn trì hoãn thỏa mãn nhất thời là bạn đang bỏ thêm một lá phiếu cho sự thành công trong tương lai của bản thân.
4. Lựa chọn từ trước
Khi phải đưa ra quá nhiều quyết định trong một ngày, bạn rất dễ rơi vào hội chứng decision fatigue, khiến bộ não quá tải và dễ dàng đưa ra quyết định chóng vánh, hoặc phớt lờ và trì hoãn quyết định.
Dù trong cả ngày, bạn đã cố gắng đưa ra quyết định đúng đắn, tránh sự thỏa mãn nhất thời, nhưng vì đưa ra quá nhiều quyết định nên ý chí giảm sút đáng kể. Đây là lúc bạn dễ dàng đánh mất kỷ luật bản thân.
Đây cũng là lý do tại sao các siêu thị lại có một kệ hàng với những món đồ gây nghiện như bim bim, socola, bánh kẹo,…ở gần quầy thu ngân. Vì sau khi đã mua sắm cực kỳ thông minh và tỉnh thức, bạn dễ dàng để bản thân “lạc trôi” và tặc lưỡi bỏ những món đồ này vào giỏ hàng.
Hiểu được nguyên nhân chính của vấn đề là do phải đưa ra quá nhiều lựa chọn, giải pháp đơn giản bạn có thể thực hiện đó là giảm thiểu lựa chọn trong ngày tới mức tối đa hoặc đưa ra lựa chọn từ trước.
Ví dụ bạn có thể mua đồ ăn lành mạnh đã chế biến và để sẵn trong tủ, trải thảm yoga từ buổi tối hôm trước để sẵn sàng cho buổi sáng hôm sau, để cốc nước ngay cạnh giường ngủ để uống ngay khi thức dậy.
Mark Zuckerberg thậm chí còn mua hàng loạt áo phông màu sắc giống y hệt nhau để không phải băn khoăn quá nhiều về việc mình sẽ mặc đồ gì hôm nay. Anh ấy làm vậy vì muốn để dành “bộ não” cho những quyết định quan trọng hơn trong công việc.
5. Loại bỏ cám dỗ
Thay vì cố gắng chiến đấu chống lại những cám dỗ (một điều rất khó khăn), hãy thử loại bỏ nó. Mọi thứ có lẽ sẽ đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu nghiền Facebook Watch, bạn có thể sử dụng công nghệ để hạn chế việc sử dụng mạng xã hội.
Quyết liệt hơn nữa là xóa mạng xã hội ra khỏi điện thoại (nếu công việc của bạn không có nhu cầu sử dụng mạng xã hội).
Nếu thường xuyên ăn uống không lành mạnh, hãy vứt hết tất cả đồ ăn vặt như bim bim, bánh kẹo, nước ngọt có ga ra khỏi nhà. Nếu mê Netflix, bạn có thể hủy đăng ký, di chuyển tivi ra khỏi phòng ngủ hoặc không sử dụng tivi. Nếu nghiện mua sắm online, “uninstall” sự tồn tại của tất cả các ứng dụng thương mại điện tử trong điện thoại.
6. Điều bạn không làm cũng quan trọng
Đừng chỉ nghĩ về những điều bạn nên làm mà hãy nghĩ cả về điều bạn không làm. Một nghiên cứu cho thấy, bình thường một người trưởng thành dành khoảng 5 giờ một ngày để nhìn vào điện thoại. Con số này thật lớn so với khoảng thời gian 24 giờ một ngày. Vậy nếu không lướt mạng xã hội, bạn có thể làm những gì trong vòng 5 giờ mỗi ngày để đạt được mục tiêu?
Chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều điều có ích để thực hiện. Vậy tại sao bạn không bắt đầu làm chúng ngay và luôn?
7. Bắt đầu nhỏ
Một lời khuyên hầu như có mặt trong tất cả các bài viết của The Introvert Writer. Vì lời khuyên này cực kỳ hiệu quả. Thay đổi tí hon có sức mạnh to lớn trong cuộc sống của bạn. Chúng khiến cho mọi chuyện trở nên dễ dàng và khả thi hơn. Ngay lập tức thực hiện những thay đổi to lớn khiến bản thân chưa kịp thích nghi và tâm trí khó chấp nhận. Chúng ta luôn cần thời gian để bản thân trải nghiệm và cảm nhận đó có thực sự là điều bản thân mong muốn hay không.
8. Thay đổi cá tính, thay vì hành động
“Identity-based habit” là khái niệm được James Clear giới thiệu trong cuốn sách “Thói quen nguyên tử”. Khái niệm này đại ý là nếu bạn muốn thay đổi hành động, trước tiên cần thay đổi định nghĩa về con người mình.
Ví dụ, bạn không muốn ăn đồ ăn nhiều tinh bột, đường, dầu mỡ vì mục tiêu giảm cân. Nhưng khi đến một bữa tiệc, bạn được mời một miếng bánh ngọt. Bạn có thể nói: “Không cảm ơn, tôi đang cố gắng giảm cân.” Điều này là vô cùng bình thường. Tuy nhiên nghĩ kỹ thì nó sẽ được hiểu là bạn vẫn ăn bánh ngọt, nhưng chỉ đơn giản vì lần này không phù hợp nên bạn mới từ chối. Với lý do này, bạn có thể từ chối một nhưng rồi sẽ đến một lúc bạn không thể từ chối mà ăn miếng bánh đó.
Bây giờ, trong trường hợp tương tự nhưng thay vì trả lời như trên, bạn nói: “Không, tôi không ăn bánh”. Câu trả lời này dù chỉ khác biệt đôi chút về mặt câu chữ, nhưng lại đem đến cảm giác hoàn toàn khác. Bạn khẳng định danh tính mới của bản thân đó là bản thân là người không ăn bánh ngọt.
Nhờ việc khẳng định như vậy, bạn có thể chuyển hướng hành động để hài hòa với danh tính mới của mình. Mỗi một lần bạn hành động theo danh tính mới, bạn tiến gần thêm một bước với hình mẫu mà bản thân muốn trở thành.
Từ hôm nay bạn có thể nói: “Tôi là người thức dậy lúc sáu giờ sáng và viết trong vòng 1 tiếng đồng hồ trước bữa sáng”. “Tôi là người ăn uống lành mạnh”. “Tôi là người coi trọng sức khỏe và luôn đi bộ 30 phút mỗi ngày”.
9. Đừng ngại nhờ giúp đỡ
Những người xung quanh đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành kỷ luật bản thân. Thay vì dành thời gian cho những ai thường khiến bạn nản lòng, ủng hộ bạn từ bỏ mục tiêu, hay góp phần tạo nên cảm xúc tiêu cực khiến bạn khó khăn hành động, hãy ở bên cạnh những ai thực sự hạnh phúc cho những gì bạn đang cố gắng, luôn cổ vũ, động viên bạn và bằng mọi cách giúp bạn đạt được ước mơ của mình.
10. Quy tắc 2 giây
Quy tắc 2 giây từ The Productive Club là một quy tắc khá thú vị giúp bạn tỉnh thức hơn khi hành động. Chỉ hai giây nhỏ nhoi nhưng có tác dụng to lớn xoay chuyển cuộc đời.
Tất cả điều bạn cần làm chỉ là dừng lại hai giây để xem xét trước khi thực hiện bất kỳ hành động gì. Trong hai giây này bạn có thể:
- Tự hỏi bản thân liệu bạn có đang thực hiện hành vi đúng đắn
- Nghĩ về những hậu quả khi bạn thực hiện hành vi đó.
11. Kiểm soát năng lượng của bạn thay vì thời gian
Nếu không có nguồn năng lượng dồi dào và trạng thái tinh thần tốt, dù bạn có kiểm soát thời gian thông minh và khéo léo thế nào, bạn cũng khó có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Bởi vậy, rèn luyện kỷ luật bản thân cũng đồng nghĩa với việc ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, và luyện tập đều đặn để có cơ thể khỏe mạnh.
Thêm nữa, dù có cố gắng thế nào, trong một ngày cũng sẽ có những lúc năng lượng của bạn ở mức thấp. Bạn hãy sắp xếp những công việc không cần quá nhiều sự tập trung và sự vận động trí não vào khoảng thời gian này. Ngược lại, dành khoảng thời gian nhiều năng lượng nhất trong ngày để giải quyết việc quan trọng nhất trong danh sách việc cần làm.
12. Sử dụng công nghệ hỗ trợ
Một vài những công cụ hỗ trợ bạn có thể cân nhắc sử dụng trong quá trình phát triển kỷ luật bản thân:
- Freedom: Phần mềm tự động chặn email, mạng xã hội, website, ứng dụng có thể khiến bạn xao nhãng.
- Habitica: Bạn có thể sử dụng Habitica để thiết lập một thói quen mới, hình thành thêm những thói quen tích cực trong cuộc sống hoặc loại bỏ một thói quen xấu.
- Rescue Time:Tự động theo dõi thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính hay điện thoại.
- News Feed Eradicator for Facebook: Thay thế Facebook feed bằng một câu quote truyền cảm hứng.
- Forest: Giúp bạn tập trung làm việc.
.Để kết thúc bài viết này, xin dành tặng các bạn một câu nói của J.K.Rowling:
“It is our choices, that show what we truly are, far more than our abilities.” – J.K. Rowling
Hãy “bỏ phiếu” một cách nghiêm túc cho con người mà bạn thực sự muốn trở thành bắt đầu từ hôm nay nhé!
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.